Đúng với tên gọi Đông trùng hạ thảo, loài thảo dược này có khả năng biến hóa lạ thường với các hình dáng khác nhau “mùa đông là côn trùng, mùa hè là thân cỏ cây” sống ở các vùng cao nguyên có độ cao hơn 3000m so với mặt nước biển, chủ yếu là cao nguyên Tây Tạng.
Phân biệt đông trùng hạ thảo |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Liễu, trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, đông trùng hạ thảo còn gọi là trùng thảo, hạ thảo côn trùng vì vị thuốc này vào mùa đông là con sâu, mùa hạ lại hóa thành cây cỏ. Sở dĩ có chuyện biến hóa này vì đây là giống nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loài thuộc họ cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau.
Vào mùa đông, con sâu non nằm dưới lòng đất. Nấm phát triển vào toàn thân sâu để hút chất làm cho nó chết. Đến mùa hạ, nấm sinh trưởng, mọc chồi khỏi mặt đất nhưng gốc vẫn dính liền vào đầu sâu. Để làm thuốc, người ta đào lấy tất cả xác sâu và nấm về dùng.
Trong đông trùng hạ thảo thiên sư Việt Nam người ta đã lấy được khoảng 7% một loại axit đặc biệt gọi là axit cocdixepic 3-4-5 tetraoxyhexahydrobenzoic, có cấu tạo tương tự như axit quinic.
Đông trùng hạ thảo chứa 25-32% protit. Khi thủy phân cho axit glutamic, prolin, histidin, valin và oxyvalin, acginin và alanin. Ngoài ra còn có 8,4% chất béo trong đó axit bé no chiếm 13%, axit không no chiếm 82,2% .
Theo tài liệu cổ, loại dược liệu này có vị ngọt, tính ôn, vào 2 kinh phế và thận có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đờm, dùng chữa hư lao sinh no, ho ra máu, liệt dương, lưng gối đau mỏi, di tinh.
Xét nghiệm trên thỏ, ếch cho thấy vị thuốc này làm tăng rõ rệt lượng huyết của tim.
Các kết quả trên phù hợp với kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân nói rằng đông trùng hạ thảo chữa khỏi bệnh đau tim.
Các kết quả thí nghiệm trên chó gây mê cho thấy nếu tiêm tĩnh mạch với liều 0,1-0,5ml hoặc 1ml/kg thể trọng đều thấy huyết áp hạ xuống rõ rệt, 10 phút sau huyết áp trở lại bình thường. Tuy nhiên cho uống hoặc tiêm vào bụng với liều 2ml/kg thể trọng thì không thấy ảnh hưởng đối với huyết áp.
Đối với khí quản, thí nghiệm trên chuột bạch cho thấy thuốc động trùng hạ thảo làm dãn khí quản. Do đó, chúng rất thích hợp trong việc chữa ho, tiêu đờm, bảo vệ phổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Liễu cho biết đây là một vị thuốc bổ được ghi vào tài liệu Đông y từ giữa thế kỷ 18. Ngày uống 6-12 g dùng với hình thức ngâm rượu có tác dụng chữa chứng đau lưng, mỏi gối, tác dụng thậm chí hơn cả nhân sâm.
Đặc biệt, độc tính của đông trùng hạ thảo thấp. Với liều 5 g/kg chuột bạch không có hiện tượng ngộ độc nào. Với liều 10-20 g/kg thể trọng một phần chuột thí nghiệm bị chết, với liều 30-50 g/kg thể trọng toàn bộ số chuột thí nghiệm bị chết.
Lưu ý khi dùng
Bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội lưu ý thêm cần tránh dùng đông trùng hạ thảo trong trường hợp đang chảy máu, xuất huyết, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt.
Ngoài ra, loại dược liệu này cũng không nên dùng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 5 tuổi. Do cơ thể trẻ nhỏ vẫn ở dạng “thuần dương vô âm” tức là thường “nóng”, nên trong điều trị không sử dụng những thuốc bổ có tính ấm nóng vì có thể làm cho bệnh nặng hơn.
Khi có triệu chứng sốt, cảm lạnh, ho, mọi người không nên tự ý sử dụng mà nên tuân theo chỉ dẫn. Đông trùng hạ thảo mặc dù được coi là thần dược nhưng cũng có mặt hạn chế và gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách.
Mặt khác, loại nguyên con nếu chưa được làm sạch hay chế biến sẽ chứa nhiều ký sinh trùng có hại cho sức khỏe con người khi ăn trực tiếp.
Vì vậy, chúng ta không thể dùng đông trùng hạ thảo một cách tùy tiện và nghĩ rằng nó vô hại, cần có hướng dẫn chính xác của bác sĩ để giảm thiểu đến mức tối đa hoặc mất hẳn tác dụng phụ khi sử dụng.
Đơn thuốc có đông trùng hạ thảo
1. Thuốc chữa người già suy nhược, viêm khí quản mãn tính
Đông trùng hạ thảo 10 g, khoản đông hoa 6 g, tang bạch bì 8 g, cam thảo 3 g, tiểu hồi hương 2 g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
2. Thuốc bổ đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo 15 con. Vịt già một con, bỏ lông ruột cho sạch. Bổ đôi đầu vịt, cho đông trùng hạ thảo vào. Sau đó lấy dây đai buộc kín lại. Cài đầu vào bụng vịt rồi thêm mắn muối hầm như thường lệ, đem cho người ốm mới khỏi thân thể có hư yếu ăn.
Vịt hầm đông trùng hạ thảo |